CÁN BỘ, GIẢNG VIÊN BỘ MÔN KINH TẾ VẬN TẢI BIỂN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH HỌC TẬP THỰC TẾ TẠI XÍ NGHIỆP CẢNG TIÊN SA – CẢNG ĐÀ NẴNG

(Thời gian cập nhật: 08:18 27/05/2022)

Để hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên được tiếp cận với những kiến thức thực tế cũng như quy trình cụ thể tại cảng biển phục vụ cho công tác giảng dạy, trong chuyến đi từ ngày 26-27/3/2022, cán bộ, giảng viên bộ môn Kinh tế vận tải biển đã tham quan Xí nghiệp cảng Tiên Sa (trực thuộc Cảng Đà Nẵng).

Đoàn cán bộ, giảng viên của Trường ĐH GTVT TPHCM do ThS. Đặng Thị Bích Hoài – Phụ trách bộ môn Kinh tế vận tải biển làm trưởng đoàn; Lãnh đạo khoa có sự hiện diện của PGS.TS Trần Quang Phú – Trưởng khoa kinh tế vận tải, TS. Nguyễn Văn Khoảng – Bí thư chi bộ khoa Kinh tế vận tải; cùng tập thể giảng viên thuộc bộ môn Kinh tế vận tải biển. Tại đây, đoàn được lãnh đạo Cảng Đà Nẵng gồm Phó Tổng Giám đốc cảng Đà Nẵng Dương Đức Xuân, các đại diện đến từ các phòng Kinh doanh, Khai thác, phòng Hành chính, trung tâm dịch vụ khách hàng của cảng,… đón tiếp rất nhiệt tình.

Đại diện Khoa Kinh tế vận tải đã trao hoa và quà cho phía Đại diện Cảng

Phát biểu trong buổi học tập thực tế tại xí nghiệp Cảng, ông Dương Đức Xuân đã chia sẻ với tập thể giảng viên bộ môn về cơ sở vật chất của cảng, hệ thống bốc xếp, hoạt động khai thác cầu bến của Cảng, công tác lập kế hoạch, thiết bị, nhân lực, cầu tàu….Cảng Tiên Sa có khu bến container với hệ thống kho bãi, đê chắn sóng, thiết bị chuyên dụng hiện đại. Đây là cảng biển có tiềm năng lớn ở Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á với những con số tăng trưởng ấn tượng. Hiện tại, Cảng Đà Nẵng bao gồm khu cảng chính là xí nghiệp cảng Tiên Sa và các công ty thành viên, sở hữu gần 1.700m cầu bến với khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 Teus và tàu khách đến 170.000 GT, cùng với các thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại. Cảng Tiên Sa là một trong những cảng quan trọng nhất khu vực Trung Bộ Việt Nam. Cảng Tiên Sa là cửa ngõ thông thương, đầu mối giao thông quan trọng của Hành lang kinh tế Đông – Tây phục vụ giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế, du lịch cho vùng hậu phương gồm các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Ông Dương Đức Xuân – Phó Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng giới thiệu về cơ sở vật chất, tiềm năng của Cảng Đà Nẵng

Buổi học tập diễn ra sôi nổi, dưới sự hướng dẫn của ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Xí nghiệp cảng Tiên Sa và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Trung tâm DVKH Cảng Đà Nẵng. Các thầy cô có cơ hội tham quan thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh cảng như phòng Điều độ Cảng, cổng Cảng, tìm hiểu công tác tiếp nhận và  giải phóng tàu tại Cảng, quy trình giao nhận hàng hóa tại Cảng, hoạt động của trung tâm chăm sóc khách hàng …Ngoài ra, các thầy cô còn được tiếp cận phần mềm quản lý cảng, những thuận lợi, khó khăn và cách giải quyết những vấn đề trong công tác khai thác cảng biển, qua đó giúp cập nhật các công nghệ hiện đại, nâng cao kiến thức thực tế cho bản thân và làm phong phú bài giảng của mình.

Cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế vận tải tham quan thưc tế tại cầu cảng

Đặc biệt hơn, cũng trong dịp này, các giảng viên bộ môn Kinh tế vận tải cũng được nhiệt tình chào đón bởi các cựu sinh viên chuyên ngành Kinh tế vận tải biển, Khoa Kinh tế vận tải đang công tác tại trung tâm dịch vụ khách hàng của cảng Đà Nẵng. Những cái bắt tay, những câu chuyện của người thầy, người trò sau bao năm gặp lại thật ý nghĩa và nhiều cảm xúc. Bộ môn chúc mừng sự trưởng thành và thành công của các cựu sinh viên trong sự nghiệp.

Các thầy cô Bộ môn Kinh tế vận tải biển tham khảo phần mềm Quản lý cảng được áp dụng tại Cảng Đà Nẵng

Gặp gỡ nhân viên Trung tâm dịch vụ khách hàng Cảng Đà Nẵng

Kết thúc buổi học tập thực tế, cô Đặng Thị Bích Hoài, Trưởng bộ môn Kinh tế vận tải biển bày tỏ sự cảm ơn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện, cơ hội tham quan thực tế từ lãnh đạo Cảng Đà Nẵng. Chương trình học tập thực tế đã diễn ra thành công, tốt đẹp trong niềm hân hoan, phấn khởi của các bên tham gia.

Những kiến thức thực tế và trải nghiệm tại Cảng Đà Nẵng chắc chắn giúp tập thể giảng viên bộ môn cập nhật thêm rất nhiều thông tin hữu ích nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy và hoàn thiện hơn chương trình đào tạo, đảm bảo nguồn cung nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế biển của đất nước.

(Tin và ảnh: Bộ môn Kinh tế vận tải)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *