Khoa Kinh tế vận tải đẩy mạnh cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo theo định hướng gắn kết chặt chẽ với thực tiễn và tiến tới xây dựng học kỳ doanh nghiệp

(Thời gian cập nhật: 08:03 18/07/2023)

Trong học kỳ 2 năm học 2022 – 2023, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Nhà trường và sự phối hợp của các Phòng, Ban, Viện Đào tạo Chất lượng cao, Khoa Kinh tế vận tải đã triển khai liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành để tổ chức học phần Thực tập chuyên môn cho sinh viên năm thứ 3 (Khóa 2020-2024) với hơn 1.000 sinh hệ đại trà và gần 500 sinh viên hệ chất lượng cao. Đây là hoạt động hàng năm nằm trong kế hoạch cải tiến các chương trình đào tạo theo định hướng gắn với thực tiễn ngành nghề, giảm bớt các nội dung lý thuyết giúp sinh viên ra trường có thể tự tin tiếp cận ngay với thực tế, đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua kỳ thực tập của sinh viên cũng tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo, tuyển dụng. Hoạt động này mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.

Các học phần thực tập đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo nhằm mang lại những trải nghiệm thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, hỗ trợ người học phát triển và định hướng với công việc tương lai. Trong học kỳ 2 năm học 2022-2023, sinh viên năm thứ 3 các chuyên ngành: Kinh tế vận tải biển, Kinh tế xây dựng, Quản lý dự án xây dựng, Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức, Quản lý và Kinh doanh vận tải hệ đại trà và hệ chất lượng cao đã được các giảng viên của Khoa hướng dẫn đi thực tế tại các doanh nghiệp trong ngành. Khi tham quan thực tập, ngoài những kiến thức mà sinh viên thu nhập được qua quá trình quan sát, trực tiếp thực hành, giới thiệu của báo cáo viên tại doanh nghiệp để sinh viên có thể hiểu công việc thực tế cũng như vận dụng tốt lý thuyết đã học, sinh viên còn hiểu rõ các yêu cầu về tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng như kỹ năng cần thiết để đáp ứng tốt công việc chuyên môn. Các doanh nghiệp sinh viên tham quan thực tập là các doanh nghiệp lớn, uy tín, chuyên nghiệp, có ứng dụng công nghệ hiện đại, lĩnh vực hoạt động sát với chuyên môn của ngành học và đa dạng ở tất cả các lĩnh vực: cảng biển, ICD, công ty Logistics, Trung tâm phân phối, công ty vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ, công ty xây dựng, tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước…

Đối với chuyên ngành Kinh tế vận tải biển, Khoa đã phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng (STC) tổ chức chương trình học tập và trải nghiệm thực tế cho sinh viên tại Tân Cảng – Cát Lái với chủ đề: “Tìm hiểu về các phương thức gửi hàng bằng Container, Quy trình giao nhận hàng LCL, FCL”. Sinh viên đã được tham quan các khu vực Cảng như cầu tàu, bến Sà lan, Khu đóng hàng gạo bao, khu kiểm hóa, Kho CFS, Khu thủ tục, Khu vực Hải quan…và các khu vực khác trong Cảng. Bằng những kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực khai thác cảng biển và các ví dụ cụ thể, thực hành thực tế, các báo cáo viên đã giúp cho các bạn sinh viên hình dung tổng quan về các phương thức gửi hàng bằng Container, thực hành quy trình giao nhận hàng LCL và FCL, hướng dẫn cho các bạn sinh viên được đóng hàng thực tế, chằng buộc, các nghiệp vụ liên quan đến container. Cùng với sự nhiệt tình chia sẻ đến từ các báo cáo viên, sinh viên đã rất hứng thú được trải nghiệm, tham gia trực tiếp thực hiện nghiệp vụ đóng hàng và lashing hàng hóa trong container.

Sinh viên chuyên ngành Kinh tế vận tải biển tham quan thực tế bãi Container tại Tân cảng – Cát Lái

Sinh viên được hướng dẫn thực hành cách xếp hàng và tác nghiệp chằng buộc để cố định các thùng hàng trên Pallet trong container

Cũng trong thời gian từ tháng 04/2023 đến tháng 06/2023, Khoa đã tổ chức cho sinh viên chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức tham quan thực tế kho hàng, trung tâm phân phối hàng hóa tại các doanh nghiệp như: ICD Tân Cảng Sóng Thần, Logistics Center Việt Nam (Trung tâm phân phối phụ tùng Mercedes Benz Việt Nam), Kho hàng Richfield – Long An.

Tại ICD Tân Cảng Sóng Thần, sinh viên được giới thiệu tổng quan về quy mô ICD Tân Cảng Sóng Thần và lĩnh vực đơn vị đang triển khai hoạt động, thông tin liên quan hoạt động khai thác kho bãi, trung tâm phân phối; Vai trò chức năng/nhiệm vụ của các bộ phận/phòng ban tại kho hàng, trung tâm phân phối; Trình bày về quy trình nhập, lưu trữ và xuất hàng hóa của kho hàng. Sinh viên cũng được hướng dẫn tham quan về các đối tượng inbound, outbound của kho hàng; Quy trình thực hiện hoạt động receiving, putaway, storage, picking, assortment, sorting, packing, labeling, shipping…Trao đổi những tình huống thực tế và các vấn đề cần lưu ý trong nghiệp vụ, quy trình giao nhận, lưu trữ hàng hóa trong kho và xuất hàng; Hướng dẫn phân biệt các thiết bị lưu trữ, phương tiện vận chuyển hàng; kiểm tra hàng khi xuất và nhập hàng bằng barcode, RFID; phân biệt các loại bao bì, thùng hàng; đóng gói hàng hóa và cách sắp xếp hàng hóa khoa học.

Tại Công ty CP Quốc tế Phú Trường (Richfield), một doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng bán lẻ, có vốn đầu tư nước ngoài (Malaysia), cán bộ kho hàng đã chỉ dẫn thực tế một số kỹ thuật/phương pháp lưu trữ, nhập kho hàng và phân phối hàng hóa, cách thức quản lý, giám sát kho hàng, cung cấp các thông tin liên quan đến quá trình quản lý chuỗi cung ứng, quản lý phương tiện vận tải đang được áp dụng tại đơn vị và trao đổi, giải đáp những câu hỏi thắc mắc với sinh viên.

Các sinh viên chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức cũng được đến Logistics Center Việt Nam (LCVN) đơn vị phân phối phụ tùng chính hãng Mercedes-Benz Việt Nam. LCVN là nơi diễn ra các hoạt động vận hành kho, lưu trữ và áp dụng công nghệ số hóa trong các quy trình phân phối phụ tùng, để đảm bảo hoạt động hiệu quả với độ chính xác cao nhất, thông qua đó nâng cao sự hài lòng và sự trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng những chiếc xe sang mang thương hiệu ngôi sao 3 cánh – Mercedes-Benz tại thị trường Việt Nam. Buổi tham quan này là cơ hội cho các bạn sinh viên được tiếp cận, quan sát và hiểu rõ hơn về các quy trình, hoạt động vận hành đã được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Mercedes-Benz Group AG toàn cầu. Bên cạnh những kiến thức đã được học trên ghế nhà trường, đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên có được sự định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Thông qua chuyến tham quan này cũng giúp cho giảng viên đưa các kiến thức về chuỗi cung ứng trong lĩnh vực ô tô từ lý thuyết đến thực tiễn cho các bạn sinh viên.

Sinh viên chuyên ngành Logistics và vận tải đa phương thức tham quan thực tế  tại Công ty CP Quốc tế Phú Trường (Richfield)

Sinh viên chuyên ngành Logistics và Vận tải đa phương thức tìm hiểu thực tế tại Logistics Center Việt Nam (thuộc Mercedes Benz Việt Nam)

Khoa cũng phối hợp với các đơn vị vận tải như: Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (BXMT), Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông (BXMĐ), Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP.HCM, Chi nhánh vận tải đường sắt phía Nam, Chi nhánh vận tải đường sắt Sóng Thần, Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến tổ chức học phần thực tập chuyên đề dành cho sinh viên chuyên ngành Quản lý và Kinh doanh vận tải tham quan, thực hành, tìm hiểu các hoạt động vận tải và kinh doanh dịch vụ tại các đơn vị vận tải.

Sinh viên chuyên ngành Quản lý và Kinh doanh vận tải tham quan và thực hiện khảo sát trên tuyến xe buýt

Trong đợt thực tập chuyên đề, sinh viên được giới thiệu tổng quan về công ty, các hoạt động tổ chức vận tải, cập nhật được xu thế phát triển thông qua nâng cấp chất lượng dịch vụ tại bến xe trong tương lai. Đồng thời, sinh viên được trang bị thêm kiến thức về cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải, công tác điều hành, quản lý kinh doanh hệ thống vận tải. Trong kỳ thực tập, sinh viên đã thực hiện khảo sát lưu lượng hành khách lên xuống tại các điểm đầu cuối – dừng đón trả khách dọc tuyến và khảo sát chất lượng phục vụ nhân viên, tài xế xe buýt để tổng hợp tư liệu phục vụ cho việc báo cáo thực tập chuyên môn của sinh viên.

Tại Bến xe Miền Tây (BXMT) và Bến xe Miền Đông (BXMĐ), sinh viên tìm hiểu và tham gia vào nhiều khía cạnh của hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa tại các bến xe, tìm hiểu quy trình làm việc của bến xe, bao gồm các bước tiếp nhận, ghi nhận thông tin, kiểm tra và đăng ký xe ra vào bến. Sinh viên được tham gia vào công tác điều độ phương tiện và tài xế tại bến xe, học cách phân bổ và điều phối để đảm bảo hoạt động diễn ra trơn tru và hiệu quả, cách giải quyết các vấn đề giao thông và xử lý tình huống khẩn cấp trong quá trình điều độ. Sinh viên cũng được tìm hiểu về kết nối vận tải đa phương thức tại các bến xe với các loại hình vận tải khác.

Tại Chi nhánh vận tải đường sắt Sóng Thần và Chi nhánh vận tải đường sắt phía Nam, sinh viên đã tìm hiểu quy trình xếp dỡ hàng hóa, công tác điều độ tàu, quy trình làm việc xếp dỡ tại ga hàng hóa đường sắt, các thiết bị xếp dỡ hàng hóa hiện có tại ga. Sinh viên được tiếp cận với quy trình xếp dỡ hàng hóa từ khi hàng hóa được vận chuyển đến ga đến khi được xếp lên hoặc xuống từ tàu, học cách xác định các yêu cầu đặc biệt của hàng hóa, cách kiểm tra và sắp xếp hàng hóa để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, sinh viên ngành Quản lý và Kinh doanh vận tải tiếp cận, nắm vững công tác điều độ tàu, bao gồm lập kế hoạch vận chuyển hàng hóa, phân công nhiệm vụ cho các nhân viên, đảm bảo tàu chạy đúng theo thời gian và tuyến đường đã được lên kế hoạch, cách giải quyết các vấn đề xảy ra trong quá trình điều độ tàu và cách tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để đạt được hiệu suất cao nhất.

Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức các hội thảo chuyên đề về vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải cho sinh viên tham gia. Đây là cơ hội để sinh viên cập nhật thông tin mới nhất về ngành vận tải, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các chuyên gia và người điều hành trong lĩnh vực này. Hội thảo giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các thách thức và cơ hội trong ngành vận tải và cách áp dụng các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Sinh viên chuyên ngành Quản lý và Kinh doanh vận tải thực tế  tại Ga Sóng Thần

Để tổ chức học phần thực tập chuyên môn cho sinh viên ngành Kinh tế xây dựng (gồm 2 chuyên ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý dự án xây dựng) , Khoa đã đưa sinh viên tham quan thực tế tại các công trình như dự án căn hộ cao cấp Phú Đông Sky Garden tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 6000 m2, 27 tầng nổi và 1 tầng hầm bao gồm 640 căn hộ chung cư, Shophouse, Officetel, mật độ xây dựng là 40%. Tham quan Dự án “Găng tay y tế xanh” tại Bình Dương do Tập đoàn Thành Công làm Chủ đầu tư với tổng diện tích gần 9 ha, bao gồm các hạng mục thi công chính: Cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, đường nội bộ nhà máy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà máy, khu vực tòa nhà văn phòng, khu nhà xưởng sản xuất, khu nồi hơi, khu xử lý nước thải…và nhiều hạng mục khác. Dự án được khởi công từ tháng 01 năm 2021 có tổng mức đầu tư hơn 2000 tỷ đồng với rất nhiều gói thầu đã và đang triển khai thực hiện.

Sinh viên ngành Kinh tế xây dựng tham quan dự án căn hộ cao cấp Phú Đông Sky Garden

Bên cạnh đó, Khoa còn phối hợp với Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng tổ chức Khóa học Thực hành tay nghề xây dựng giúp sinh viên hiểu rõ về các yêu cầu kỹ thuật thi công cơ bản, cách thức xác định hao phí trong thi công xây dựng.

Sinh viên ngành Kinh tế xây dựng thực hành tay nghề xây dựng

Sinh viên được nhận chứng nhận hoàn thành khóa học do doanh nghiệp cấp.

Trong kỳ thực tập, đại diện Lãnh đạo Khoa cũng đã đến thăm, gặp gỡ, trao đổi về sự hợp tác lâu dài đối với học phần thực tập tại các doanh nghiệp. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đánh giá cao chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung trong đó có sinh viên Khoa Kinh tế vận tải và mong muốn tiếp tục hợp tác lâu dài với Khoa, ngoài việc tạo điều kiện cho sinh viên tìm hiểu thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thì đây cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với nhà trường vì chính doanh nghiệp sẽ sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng đặt vấn đề về triển khai các chương trình thực tập sinh, chương trình quản trị viên tập sự, thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp và trả lương. Kết thúc quá trình thực tập nếu đạt yêu cầu sẽ được công ty tuyển dụng chính thức. Đây là điều kiện thuận lợi để mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong việc định hướng tổ chức học kỳ doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đào tạo, giúp sinh viên nhanh chóng tiếp cận thực tế, có thể làm việc ngay khi tốt nghiệp. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuyển dụng, chi phí và thời gian để đào tạo, huấn luyện nhân viên mới. Đây cũng là xu hướng đổi mới hoạt động đào tạo, cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo, nâng cao uy tín của nhà trường đối với doanh nghiệp, tạo sự gắn kết chặt chẽ, lâu dài giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho người học, nhà trường và nhà tuyển dụng.

Đại diện Lãnh đạo Khoa Kinh tế vận tải đến thăm và trao đổi hợp tác với doanh nghiệp

Những năm gần đây, Khoa Kinh tế vận tải nỗ lực đổi mới hoạt động đào tạo gắn lý thuyết với thực tiễn qua các hoạt động thực tập tại doanh nghiệp và các khóa học thực tế. Bên cạnh các chương trình có sự hợp tác quốc tế được đánh giá cao như Khóa học “Vận hành và xây dựng mạng lưới logistics” được Vụ Logistics quốc tế thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản (MLIT) và Công ty SGH Foundation tổ chức, Chương trình đào tạo nghề song hành do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức (AHK Việt Nam), …thì các hoạt động hội thảo nghề nghiệp, tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp cũng được chú trọng nhằm góp phần vào cải tiến chất lượng các chương tình đào tạo đáp ứng yêu cầu càng cao của thị trường lao động. Chương trình học tập trải nghiệm này có ý nghĩa đặc biệt với các bạn sinh viên trong thời điểm hiện tại, đây là giai đoạn học hỏi, tìm hiểu các kiến thức thực tế từ các doanh nghiệp để chuẩn bị các hành trang cho mình khi ra trường. Kết thúc kỳ thực tập, sinh viên được một số doanh nghiệp cấp chứng nhận hoàn thành khóa học. Qua hoạt động này cũng thể hiện trách nhiệm của nhà trường, Khoa, giảng viên luôn đồng hành cùng các bạn sinh viên trong thời gian học tập tại trường, giúp sinh viên tăng cơ hội việc làm khi ra trường, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, góp phần vào phát triển các ngành nghề trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Khoa Kinh tế vận tải chân thành cảm ơn sự chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo nhà trường; sự phối hợp chặt chẽ của các Phòng, Ban, Viện Đào tạo chất lượng cao đã hỗ trợ để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục; thầy/cô Tổ trưởng bộ môn, giảng viên của Khoa đã tích cực giới thiệu, liên hệ với đối tác, trực tiếp hướng dẫn sinh viên và đặc biệt là các doanh nghiệp liên kết đã luôn đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên của Khoa đến tham quan thực tập, dành thời gian để hướng dẫn, trả lời thắc mắc giúp sinh viên có kỳ thực tập thành công và bổ sung nhiều kiến thức, hoàn thiện kỹ năng từ thực tế cũng như phát huy tính sáng tạo trong học tập và tạo động lực để sẵn sàng hội nhập, thích ứng với thị trường lao động đòi hỏi ngày càng cao góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành thuộc Khoa Kinh tế vận tải nói riêng và nhà trường nói chung.

(Tin và ảnh: Khoa Kinh tế vận tải)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *